Xem xét chuyển sân bay Buôn Ma Thuột thành sân bay Quốc tế

Bộ Giao thông vận tải cho biết cơ sở hạ tầng cảng hàng không Buôn Ma Thuột hiện nay cơ bản đủ điều kiện để khai thác các chuyến bay quốc tế.

Theo đó, Bộ cho biết dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã xây dựng tiêu chí để đánh giá việc chuyển sân bay quốc nội thành sân bay quốc tế. Qua đó, tư vấn xác định sân bay Buôn Ma Thuột là sân bay quốc nội nhưng có thể khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy định tại Điều 80 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam nhằm phục vụ sự phát triển của địa phương.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương trước mắt cần nghiên cứu, kêu gọi các hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ đi và đến sân bay Buôn Ma Thuột, nhằm mục đích khảo sát, đánh giá và phát triển thị trường bay quốc tế.

san-bay-Buon-Ma-Thuot

Sân bay Buôn Ma Thuột hiện nay cơ bản đủ điều kiện để khai thác các chuyến bay quốc tế. (Ảnh: daklak.gov.vn).

Khi tần suất các chuyến bay quốc tế tại sân bay Buôn Ma Thuột tăng và dẫn đến nhu cầu khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ (trung bình khoảng 3 – 5 chuyến mỗi tuần), Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc chuyển sân bay này thành cảng hàng không quốc tế.

Hiện sân bay Buôn Ma Thuột có một đường băng, kích thước 3.000 m x 45 m, 5 vị trí đỗ máy bay, nhà ga hành khách đáp ứng công suất khai thác 2 triệu hàng khách/năm (khoảng 800 hành khách/giờ cao điểm). Hạ tầng sân bay đáp ứng khai thác các loại máy bay như A320, A321, B767 và tương đương.

Hiện nay, sân bay Buôn Ma Thuột đang khai thác các đường bay đi và đến 7 tỉnh, thành gồm TP HCM, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa và Cần Thơ; chưa khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ.

Ngoài ra, cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư tuyến đường sắt từ thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

Về vấn đề này, Bộ cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt từ thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) không nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt.

Bộ Giao thông vận tải đã cũng nghiên cứu phương án kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa thành tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang – Cảng Vân Phong là phù hợp nhằm bảo đảm tính hiệu quả đầu tư giữa các phương thức vận tải, trên cơ sở đánh giá các yếu tố kinh tế – kỹ thuật.

Bộ nêu ra lý do đường bộ cao tốc có tính linh hoạt cao hơn so với đường sắt, có thể đáp ứng phục vụ cả chức năng vận tải liên tỉnh, kết hợp với vận tải nội tỉnh; đường bộ cao tốc có thể vượt qua các khu vực có điều kiện địa hình khó khăn.

Ngoài ra, chi phí đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc rẻ hơn so với đầu tư đường sắt nên việc huy động nguồn lực đầu tư, vận hành khai thác hiệu quả hơn.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột – Vân Phong trong giai đoạn 2021- 2025. Sau khi hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc này sẽ không đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa.

TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

HOTLINE: 090.1919.789