Ai đã từng một lần đặt chân tới Ninh Thuận, chắc hẳn đều ấn tượng với gió và nắng nơi đây. Gió mạnh quanh năm nhưng ít bão, nắng khô khiến cảm giác không bao giờ có mồ hôi nhớp nháp trên da. Gió và nắng tưởng như vô giá trị, giờ lại trở thành “đặc sản” của Ninh Thuận.
Không phải ngẫu nhiên mà hàng năm, vào tháng 3 và tháng 9, những người mê lướt ván diều khắp thế giới lại đổ về Ninh Thuận để chơi môn thể thao cần mặt biển êm và rất nhiều gió này. Dọc theo bờ biển Ninh Thuận từ Bình Sơn tới Ninh Chữ sặc sỡ màu ván diều.
Gió đã đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến lướt ván diều ấn tượng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Gió cũng là cảm hứng để Tập đoàn Crystal Bay thiết kế dự án du lịch Sailing Bay Ninh Chữ, một điểm đến mới của Châu Á về du lịch trải nghiệm trong tương lai gần. Cùng với gió, Ninh Thuận chứa đầy những tài nguyên để hút hồn khách du lịch và các nhà đầu tư. Đó là những bãi biển đẹp, những rặng san hô lâu năm, cánh đồng nho, đồng cừu, làng nghề truyền thống cùng với nền văn hóa hấp dẫn nhiều bí ẩn…
Bởi vậy, từ một điểm trung chuyển mà khách du lịch chỉ lướt qua, Ninh Thuận đang trở thành thỏi nam châm thu hút du khách và các nhà đầu tư lớn, cùng Nha Trang – Đà Lạt tạo thành tam giác du lịch trọng điểm của khu vực Nam Trung Bộ cũng như cả nước.
Lượng du khách đến Ninh Thuận trong 5 năm qua (2015 – 2020) đã tăng bình quân 10,8%/năm, thu hút 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 200.000 lượt, doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, tăng bình quân 19,7%/năm. Dòng khách tăng trưởng cũng mang các nhà đầu tư du lịch đến với vùng đất này. Hiện tại, Ninh Thuận đã có 58 dự án dịch vụ du lịch với số vốn đăng ký 27.698 tỷ đồng, tập trung phát triển ở dải ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná, vườn quốc gia Núi Chúa và Phước Bình, đô thị Phan Rang – Tháp Chàm…
Không chỉ có thế, gió còn đưa các nhà đầu tư đến để khai thác nguồn tài nguyên vô tận này, biến thành dòng điện hòa vào điện lưới quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Với tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5m/s, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng trong năm, Ninh Thuận đã trở thành thủ phủ điện gió. Hiện nay, Ninh Thuận có 5 khu vực được quy hoạch, dọc chiều dài 105km để sản xuất điện gió, với tổng công suất gần 2.500 MW. Ninh Thuận đã bứt phá thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước khi nhiều vùng đất hoang hóa, khô cằn đã thành những dự án phát triển năng lượng tái tạo, qua đó tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân.