Sức bật mới ở Krông Năng

Thời gian qua, với sự năng động, linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền và nhất là sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Krông Năng được đánh giá là một trong những địa phương phát triển năng động, vượt bậc của tỉnh Đắk Lắk.

Tiềm năng rộng mở

Huyện Krông Năng có 12 đơn vị hành chính, gồm 11 xã và 1 thị trấn; có 31 dân tộc cùng chung sống, với dân số 130.000 người. Những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện đã từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện, nông – lâm – ngư nghiệp đang chiếm tỷ trọng 49,79%, công nghiệp – xây dựng chiếm 18,05%, thương mại – dịch vụ chiếm 32,16%. Tổng vốn đầu tư toàn xã giai đoạn 2021 – 2023 đạt 6.445 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn này đạt 7,83% (cao hơn bình quân chung toàn tỉnh là 7,73%).   

Thị trấn Krông Năng nhìn từ trên cao. Ảnh: VạnTiếp.

Trong phát triển kinh tế, huyện Krông Năng đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: cà phê, sầu riêng, mắc ca, hồ tiêu, cao su…

Hiện nay, huyện có 42.715 ha cây lâu năm. Riêng cà phê có 24.885 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, sản lượng mỗi năm đạt hơn 65.000 tấn; hồ tiêu có khoảng gần 4.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt hơn 8.000 tấn; cao su có hơn 2.900 ha, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 2.800 tấn.

Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh, toàn huyện đã có 12.456 ha, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 11.000 tấn. Đặc biệt, cây macca đã có hơn 2.450 ha, đưa Krông Năng trở thành địa phương đứng đầu tỉnh Đắk Lắk về diện tích, trong đó 950 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt gần 18 tạ/ha, sản lượng ước khoảng 1.700 tấn/năm.

Hiện, sản phẩm hạt macca của huyện Krông Năng đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Cây ăn quả đang được huyện Krông Năng khuyến khích phát triển. Ảnh: Thế Hùng.

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được tăng cường; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn năm 2023 đạt 4.800 tỷ đồng, tổng ba năm 2021 – 2023 đạt hơn 13.883 tỷ đồng. Đáng chú ý, Chương trình Compact được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện với quy mô 23.132 ha cà phê, 3.665 ha hồ tiêu, 5.167 ha cây ăn quả các loại, 8.108 ha rừng, với 19.250 hộ tham gia. Chương trình này hướng đến hình thành vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn huyện Krông Năng (VSA) vào năm 2025 và là một phần trong mục tiêu tổng thể “Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Lắk” do Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH/Hà Lan) hỗ trợ.

Phát huy mũi nhọn

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, huyện Krông Năng đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước đồng bộ cả về số lượng và chất lượng. Trong đó có 99% đường huyện giao thông đi lại thuận tiện, 75% đường xã được nhựa hóa hoặc cứng hóa; 99% số hộ được sử dụng điện và 90% thôn, buôn có điện; 80% diện tích cây trồng có nhu cầu được đảm bảo nguồn nước tưới.

Krông Năng là huyện trọng điểm về cây macca của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thế Hùng.

Nhờ triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia như: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay huyện Krông Năng đã có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện đã có 4 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm hạt macca đã được nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao và huyện cũng đã xây dựng được thương hiệu “Macca Krông Năng”.

Công tác cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư được triển khai hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, huyện Krông Năng có hơn 310 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút và tạo việc làm cho gần 3 nghìn lao động, trong đó có 3 doanh nghiệp nhà nước, gồm: Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk, Công ty TNHH MTV Cà phê 49, Nông trường Cà phê Đliêya (thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Sim). Các doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Bên cạnh đó, kinh tế tập thể, kinh tế trang trại tiếp tục được quan tâm hỗ trợ và đầu tư phát triển. Hiện toàn huyện có 75 hợp tác xã đang hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/người/năm.

Công nhân chế biến cà phê đặc sản tại huyện Krông Năng. Ảnh: Thế Hùng.

Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục – đào tạo có bước tiến mới, góp phần phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Trên địa bàn huyện hiện có 60 trường công lập, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 28 sở sở giáo dục tư thục khác, trong đó có 38/60 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Để phát huy tiềm năng của mình, Huyện ủy, UBND huyện còn thường xuyên chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp về phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Trong kĩnh vực du lịch, hiện nay đã bổ sung vào danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Krông Năng đối với 2 dự án: Điểm du lịch thác Thủy Tiên (xã Ea Puk, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng và Điểm du lịch sinh thái đập Đông Hồ (thị trấn Krông Năng, dự kiến tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng). Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh khảo sát, xây dựng các tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới trên địa bàn. Riêng Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm (thu hút hơn 15 nghìn lượt khách mỗi năm) đang được huyện đề xuất nâng cấp lên lễ hôi quy mô cấp huyện.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mình, Krông Năng đã tích cực thực hiện công tác thu hút đầu tư. Hiện nay, hàng loạt dự án được huyện đưa vào danh mục dự án thu hút, xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 như: Dự án cụm công nghiệp Krông Năng (tại xã Phú Xuân, diện tích 75 ha); Khu thương mại dịch vụ (40 ha); Khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung tại xã Đliêya (82 ha); Trung tâm đào tạo lái xe ô tô, mô tô và các nghề sơ cấp (thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Krông Năng, tổng mức đầu tư khoảng 27 tỷ đồng); Đầu tư xây dựng chợ Ea Tóh (dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng); Khu tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ (tại thôn Lộc Tân, xã Phú Lộc, tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư nông thôn mới xã Phú Xuân (xã Phú Xuân, diện tích 44,19ha); Dự án Khu trung tâm hành chính mới xã Dliêya (diện tích 11,78 ha); Dự án Khu trung tâm hành chính huyện (diện tích 70,91 ha)… thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư.

Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Krông Năng nằm trong tiểu vùng phía Bắc (gồm thị xã Buôn Hồ và các huyện: Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk) là tiểu vùng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong liên kết phát triển giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Bắc Tây Nguyên, đồng thời là cửa ngõ quan trọng của tỉnh kết nối với các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung gắn với hành lang kinh tế Bắc – Nam.

Với lợi thế, tiềm năng và vị thế đó, Krông Năng được kỳ vọng sẽ có nhiều phát triển bứt phá trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

HOTLINE: 090.1919.789